Lính “110” vùng biên cương xứ đá

Một ngày đầu Đông, khi ở vùng đồng bằng,thời tiết vẫn còn đang oi nồng thì hàn thử biểu trên Cao nguyên đá Đồng Văn ghi nhận con số 19 độ C, cũng là lúc chúng tôi có mặt ở vùng Cao nguyên đá, vùng đất biên thùy được mệnh danh là “vầng trán của Tổ quốc”. 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Còn nhớ, năm ngoái, ăn xong cái Tết Nguyên đán Đinh Dậu, chúng tôi cũng khai xuân bằng chuyến đi về miền cực Bắc này, có lên nơi hiểm địa này, mới tường được cái lạnh tái tê luồn vào cơ thể, len đến từng khớp xương, thớ thịt, mới thấm thía lời ai đó nói rằng “Cao nguyên đá là nơi thử thách lòng người, cũng là nơi mối giao cảm thẳm sâu, huyền bí giữa người với thiên nhiên thể hiện rõ nhất”.
 
Trạm biến áp 110kV doChi nhánh lưới điện Cao thế Hà Giang quản lý được đặt ở huyện Yên Minh, nằm ngay cạnh chân đèo nơi ngã ba đi  Đồng Văn và Mèo Vạc. Gọi là trạm biến áp 110kV ở vị trí đầu tiên của hệ thống lưới cấp điện áp 110kV của cả nước cũng được, gọi là trạm cuối cùng thì mọi người cũng hiểu. Bởi lẽ, nếu tính từ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, thì trạm biến áp 110kV Yên Minh là trạm đầu tiên, nhưng đi từ Hà Nội lên thì đây là trạm biến áp cuối cùng. Vấn đề đáng quan tâm không phải ở vị trí đầu tiên hay cuối cùng mà là, Cao nguyên đá là nơi ai cũng dám đi, dám đến nhưng không dễ ở lại. Bởi, vào mùa Đông, ngoài “đặc sản” cái lạnh như kim châm của gió rét miền biên ải và những cơn mưa tuyết bất chợt, còn là những con đèo hiểm trở nằm trên cung đường khúc khủy dài khoảng 160 cây số, vắt vẻo trên những triền núi đá dựng đứng ngang lưng trời. Đường dây 500kVvà 220kV chưa lên tới vùng cao nguyên đá, nên đường dây 110kV là đường dây huyết mạch quan trọng đảm bảo điện cho cả vùng biên cương xa ngái này. Cũng như người dân vùng Cao nguyên đá, những người lính “110” cứ phải bám chặt vào đá mà trụ lại cùng với loài cây sa mộc- biểu tượng của sức sống kỳ diệu giữa vùng đất quanh năm gió núi, mây ngàn.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Giám đốc Chi nhánh lưới điện cao thế Hà Giang Nguyễn Huy Hiếu cho biết, Chi nhánh có 53 người, trong đó, 8 người làm công tác văn phòng, 36 cán bộ công nhân trực vận hành tại 4 trạm biến áp 110kV, còn lại 14 cán bộ công nhân là đội đường dây, quản lý vận hành 12 đường dây 110kV với chiều dài hơn 332km.
 
Mười bốn công nhân quản lý 12 đường dây với chiều dài hơn 332km, tức mỗi công nhân sẽ quản lý vận hành khoảng 24km đường dây. Đây là công việc không phải là không dễ dàng mà là quá khó khăn để có được kết quả quản lý, vận hành cung cấp điện an toàn, liên tục, tin cậy, đảm bảo chất lượng điện năng, phấn đấu giảm tổn thất điện năng truyền tải theo kế hoạch được giao hàng năm. Những người lính “110” Hà Giang không chỉ có sức bền dẻo dai gồng vai đội trời đạp đá tắm sương gội gió, mà còn phải có tinh thần chiếm lĩnh chinh phục những độ cao cheo leo. Ở nơi khó khăn gian khổ giữa âm u thâm cùng thủy cốc này, họ đã sống với nhau trong nghĩa bạn bầu, đồng chí, anh em. Ở nơi đây,những người lính “110”  phải gắn công việc bằng cái tâm của người lính thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chi nhánh Lưới điện cao thế Hà Giang đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Vận hành lưới điện không xảy ra sự cố chủ quan, các sự cố được xử lý khắc phục kịp thời; không có tai nạn lao động, trên lưới điện do chi nhánh quản lý không có tai nạn xảy ra đối với nhân dân, không có phát sinh vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; không xảy ra mất tài sản được giao quản lý.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngay từ đầu năm, Chi nhánh Lưới điện Cao thế Hà Giang  tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, công tác giảm thiểu sự cố lưới điện, lập kế hoạch chi tiết cho công tác xử lý khiếm khuyết trên lưới điện, thực hiện công tác xử lý khiếm khuyết trên lưới điện, như: Bổ xung tia tiếp địa đường dây; lắp thêm và hoán đổi vị trí chống sét van trên đường dây về vị trí cột có tần suất sự cố do sét cao; xử lý tiếp xúc thoát sét ngọn cột, chân cột...nên sự cố do sét đánh vào đường dây giảm 16%  so với cùng kỳ năm 2016.
 
Đến với những người lính “110” Hà Giang, không thể không liên tưởng về  cái tên dốc Thẩm Mã (thẩm định chọn ngựa tốt). Đây là một câu chuyện dài để nói về cái cheo leo hiểm trở của cái dốc này. Chuyện xưa kể rằng những chức dịch phong kiến vương quốc Mèo xưa mỗi lần cho sai dịch đi mua hàng trăm con ngựa. Rồi mang về, chọn ngày nắng gắt trên cao nguyên đá, lùa đàn ngựa tới đây dưới chân dốc Thẩm Mã này để thử ngựa. Họ chất lên lưng mỗi con ngựa hai viên đá. Mỗi viên nặng khoảng gần một tạ bây giờ và bắt đầu đánh cho ngựa phi lên dốc. Những con ngựa bị ngã, những con bị khuỵa gối hay không vượt lên được thì đưa vào ngựa nuôi để làm chè “trảm mã” là thứ lá chè được cho ngựa ăn sau đó mổ dạ dày ngựa ra lấy lá sao lên thành loại trà đặc sản. Còn những con ngựa vượt được dốc thì trở thành vật bất ly thân là phương tiện chính trên con đường buôn bán thuốc phiện…
 
Con đường Hạnh Phúc hay còn gọi là Quốc lộ 4C vắt mình trên cao nguyên đá, hình hài đá, tâm hồn đá thẳm sâu nơi cõi đá. Ta thử một lần áp tai vào đá để được nghe đá kể về sự sống ngàn xưa, về sự sinh tồn tiến hóa còn ẩn mình trong đá. Ta thử áp tai vào mặt đá nóng ran hay tê buốt để được nghe tiếng sóng biển ngàn xưa ập òa đập vào lòng đá tìm trong mỗi địa tầng thấy cá biển đang quẫy mình, thấy chú cua, chú sò đang đằm mình trong nước mặn của trùng khơi. Cao nguyên đá Đồng Văn có năm cái nhất: nhiều đá nhất, nhiều người Mông nhất, khát nước nhất, nghèo đói và khó khăn nhất nước. Ở đây “Đất không quá ba mét bằng, trời không quá ba ngày nắng”, nước vẫn là một nỗi khao khát của người dân vùng đất chắt đá để lấy nước này. Ở dưới thung lũng sâu kia dòng Nho Quế cứ lững lờ trôi mảnh mai như sợi chỉ mà người dân nơi đây phải xuống lấy nước cõng từng can nhựa mất cả ngày đường. Và tôi cứ bâng khuâng trăn trở với cái ý nghĩ: Tại sao vùng đất khát nước, thiếu nước quanh năm này lại mang tên Hà Giang, tên của sông của nước như một khát vọng sống dù chỉ là trong tâm tưởng. Và chính điều đó càng làm cho chúng tôi thêm khâm phục người lính “110”- những người giữ gìn dòng điện, thắp sáng cột cờ Lũng Cú chủ quyền quốc gia Việt Nam.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Lên cao nguyên xứ đá không chỉ có nương đá, bờ rào đá, cối xay đá và những con đường trên đá. Người lính“110” ở đây cũng nhập hồn vào cõi đá. Bởi thế nên bước chân lên tuyến của những người lính “110” chênh vênh trên những mỏm núi đá tai mèo nhọn hoắt mà vẫn bám chặt vào đá, vững chãi.Đường dây 110kV với chiều dài hơn 332km đi qua địa hình chia cắt, khu vực cao nguyên đá, khu vực rừng đặc dụng… Nhưng nhà ở công trình xây dựng mới, tồn tại vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp: không; đào bới san ủi gần công trình điện gây nguy cơ sạt lở đến công trình điện: không và cây ngoài hành lang đường dây có nguy cơ đổ vào đường dây chưa chặt tỉa được: không.
 
Tháng 11, đường lên xứ đá bạt ngàn hoa tam giác mạch. Tuy chưa vào chính vụ nhưng đã có một những vườn hoa khoe sắc. Loài hoa mang tên một loại lúa (mạch) từng là loài hoa cứu đói lại nở bao sắc màu đan xen nhau. Từ tím ngăn ngắt đến hây hây đỏ như má phúng phính mịn màng của các cô gái vùng cao. Lại thỉnh thoảng chớp chớp hàng mi, lấp lánh một tỉ tê anh ánh màu thổ cẩm nở trong các kẽ đá rồi bạt ngàn vươn ra cả một thảm hoa như nương ngô. 
 
Tạm biệt Cao nguyên xứ đá. Tạm biệt những người lính “110”. Trong lòng chúng tôi mang thật nhiều cảm xúc: bổi hồi xúc động, cảm phục và tự hào về những gì mà những người lính “110” Hà Giang đã gây dựng niềm tin trong lòng nhân dân các dân tộc và các cấp chính quyền Hà Giang. Cách đây, hơn chục năm, chúng tôi đã lên Cao Nguyên xứ đá. Lúc ấy, nguyện vọng của Nhân dân và Chính quyền huyện Đồng Văn chỉ là được mua điện trực tiếp của ngành điện, thì hôm nay, ngành điện đã đưa trạm biến áp 110kV lên đến huyện Cao nguyên đá Yên Minh và cuối năm nay sẽ có thêm trạm biến áp 110kV Mèo Vạc để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân 4 huyện Cao nguyên đá. Điều đó đồng nghĩa với việc kinh tế xã hội ở các huyện Cao nguyên đá có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, một vài trăn trở, băn khoăn, mặc dù không lớn nhưng vẫn cứ bám theo tôi suốt hành trình trở về Hà Nội, đó là những bất cập và tồn tại trong công tác quản lý vận hành lưới điện 110kV của Hà Giang, như: Các đường dây Hà Giang- Bắc Quang đi qua khu vực mật độ sét lớn nhưng thiết kế vẫn theo mô hình cũ chỉ có duy nhất một dây chống sét nên xác suất sự cố cao; đường dây Sông Lô 4 – Bắc Quang còn tồn tại điểm đấu nối chữ T nhánh rẽ NMTĐ Sông Chừng; thiết bị trong trạm biến áp không đồng bộ. Các thiết bị trong tủ hợp bộ trung áp có khoảng cách pha - pha, pha - đất không đạt theo TCVN, trong khi đó thiết bị chưa được nhiệt đới hóa nên dễ xảy ra phóng điện, hoặc nổ các thiết bị; sơ đồ vận hành trạm 110kV Yên Minh chưa hoàn thiện. 
 
Có một điều khiến tôi tin rằng vấn đề này sẽ sớm được khắc phục, bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hướng đến các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, trong đó có cung cấp chất lượng điện.
Thanh Mai/Icon.com.vn
Read 397 times

Product Category

Visitors Counter

Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tuần trước:
Trong tháng:
Tháng trước:
Tất cả:
872
1383
2255
8110713
2255
28141
8121183

Online support

Tư Vấn Bán Hàng Online

Skype Me™!

Gọi Skype Nói Chuyện Trực Tiếp

Kinh Doanh: 01695.826.888