Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN tham dự cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác ứng phó bão, đồng thời nhấn mạnh đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, kèm theo triều cường sẽ gây thiệt hại lớn nếu sơ suất trong chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và người dân không được chủ quan; phải thường xuyên theo dõi thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình của cơn bão. Các địa phương có biện pháp di dời người dân tránh khỏi khu vực nguy hiểm, huy động lực lượng công an, quân đội, thanh niên giúp nhân dân gia cố nhà cửa.
Đài khí tượng thủy văn và các cơ quan báo chí, truyền thông cần nâng cao thời lượng tuyên truyền, thông tin đầy đủ diễn diễn của cơn bão đến tận người dân ở mọi khu vực.
Về phương án bảo vệ tài sản, hoa màu của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương nằm trong vùng tâm bão cần hướng dẫn bà con khẩn trương thu hoạch với tiêu chí "xanh nhà hơn già đồng".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không được phép chủ quan trước bão số 16
Các bộ ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai ứng phó với bão. Thủ tướng nhấn mạnh, công tác sẵn sàng ứng cứu phải được coi là nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng; khi cần thiết, triển khai biện pháp mạnh đối với những tàu thuyền, cá nhân không chấp hành thực hiện các phương án phòng chống thiên tai.
Bão Tembin là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển rất nhanh. Khu vực mà bão Tembin dự kiến đổ bộ lên đất liền Việt Nam vốn rất ít xảy ra bão. Đây lại là thời điểm nhiều tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển. Hơn nữa, dân cư vùng cửa sông, ven biển khu vực này đông đúc, ít có kinh nghiệm ứng phó với bão, thậm chí một số nơi có tư tưởng chủ quan.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 16 đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa. Đến chiều 25/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo. Tối và đêm 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11.
Đối với ngành Điện, theo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN, tính đến chiều 24/12, tất cả các nhà máy nhiệt điện của EVN trong khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 16 như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Bà Rịa, Thủ Đức, Cần Thơ đều đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, chuẩn bị sẵn nhiên liệu phục vụ phát điện cũng như nguồn điện dự phòng sẵn sàng hoạt động ở mức cao nhất.
Ngoài ra, EVN cũng tính toán đến phương án trong trường hợp thời tiết cực đoan nhất phải cắt toàn bộ lưu lượng khí Nam Côn Sơn và Cửu Long cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí. Trong tình huống đó, các nhà máy điện khí sẵn sàng chạy dầu DO nhằm đảm bảo công suất khả dụng cho hệ thống điện và sự vận hành an toàn ổn định của hệ thống điện miền Nam.
EVN cũng yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và Điều độ Hệ thống điện miền Nam giám sát chặt chẽ trào lưu công suất trên các đường dây 220 kV, 110 kV, đặc biệt các đường dây nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão để có phương án thay đổi kết dây, giảm tối đa công suất truyền tải, giảm thiểu hậu quả khi sự cố xảy ra.
Sáng nay (24/12), Tổng công ty Điện lực miền Nam đã cử 2 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó của các đơn vị trực thuộc ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Sáng mai (25/12), Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải và đoàn công tác của EVN sẽ vào khu vực tâm bão để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó trước bão và khắc phục sau bão.
evn.com.vn sẽ tiếp tục cập nhật.
(evn.com.vn)