EVNICT cũng đã cải tiến phần mềm thông tin quản lý khách hàng CMIS 3.0, được triển khai tại 107 Công ty Điện lực thuộc 5 Tổng công ty Điện lực.
Hội nghị Tổng kết hệ thống năm 2018 và Triển khai nhiệm vụ năm 2019 của EVNICT. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 9/1, tại Hà Nội, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hệ thống năm 2018 và Triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Dương Minh, Giám đốc EVNICT cho hay, năm 2018, công ty đã thực hiện tốt bảo trì, hỗ trợ Tập đoàn và các đơn vị vận hành 17 hệ thống phần mềm dùng chung và gần 30 trang web ứng dụng trên internet, web nội bộ của EVN, đảm bảo tính sẵn sàng dịch vụ trên 99%.
Bên cạnh đó, EVNICT cũng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng nhiều giải pháp công nghệ trên tất cả các lĩnh vực: quản trị tài chính, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị đầu tư xây dựng... Các hệ thống phần mềm nổi bật bao gồm hệ thống E-Office 3.0, CMIS 3.0, EVNPortal...
Về hạ tầng công nghệ, EVNICT tiếp tục đảm bảo vận hành ổn định, thông suốt các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo kết quả vận hành lên đến 99,9% mức đảm bảo dịch vụ.
Theo ông Phạm Dương Minh, trong năm 2018, EVNICT cũng đã cải tiến phần mềm thông tin quản lý khách hàng CMIS 3.0 nhằm công nghệ hóa thông tin tất cả các quy trình, quy định của nghiệp vụ kinh doanh, cung ứng dịch vụ điện và dịch vụ chăm sóc khách hàng, số hóa tối đa các biểu mẫu, tài liệu, hồ sơ giấy tờ. Phần mềm này đã được triển khai tại 107 Công ty Điện lực thuộc 5 Tổng công ty Điện lực.
Công ty cũng đã hoàn thành phát triển phần mềm kho dữ liệu đo đếm điện năng. Đây là một trong những thành công lớn của đơn vị nói riêng và của EVN nói chung. Phần mềm này giúp cho việc điều hành, sản xuất của EVN tốt hơn. Phần mềm đã hoàn thành và triển khai tại 5 Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải Điện, A0 và Công ty mua bán điện.
Hiện kho dữ liệu đo đến EVN đang quản lý tổng cộng 3.030 điểm đo ranh giới đầu nguồn; trong đó, có 1.206 điểm đo chính đang có phương thức giao nhận và 1.824 điểm đo dự phòng. Với tỷ lệ thu thập số liệu thường xuyên đạt trên 99%.
Ngoài ra, EVNICT cũng đã thực hiện các phần mềm quản lý độ tin cậy lưới điện OMS, phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện PMIS, phần mềm nghiên cứu phụ tải...
Về viễn thông dùng riêng, EVNICT có hệ thống đường trục kết nối toàn bộ 30 trạm 500kV, hệ thống truyền dẫn các trạm 220kV và nhà máy điện kết nối trực tuyến tới 38 trạm 220kV, kết nối gián tiếp tới các trạm 220kV còn lại qua thiết bị truyền dẫn của các công ty truyền tải điện.
Theo nhận định của ông Phạm Dương Minh, việc điều hành sự cố qua viễn thông dùng riêng luôn đạt chỉ tiêu chỉ huy phân đoạn và xác định nguyên nhân sự cố đạt 100%; chỉ huy điều hành khôi phục dịch vụ theo đúng quy định đạt trên 98% sự cố. Độ khả dụng của các thiết bị truyền dẫn, tổng đài và thiết bị viễn thông đạt trên 99,9%.
Đặc biệt, công ty đã hoàn thành tốt vai trò tư vấn thiết kế xây dựng phương án nâng cấp đường trục truyền dẫn quang Bắc Nam giai đoạn 1 cho Tập đoàn. Đồng thời, hoàn thành dự án “cấp kênh truyền FE cho dự án trang bị hệ thống ghi sự cố trên hệ thống điện quốc gia”.
Về tự động hóa, năm 2018, EVNICT tiếp tục thử nghiệm thành công các phần mềm giám sát điều khiển trong thực tế. Tiêu biểu là việc triển khai mở rộng các trạm tại Ninh Bình, Điện lực Tp. Hồ Chí Minh, Điện lực Hà Nam, Thủy điện Bản Vẽ... Cùng đó, tiếp tục nghiên cứ các sản phẩm tự động hóa phục vụ điều khiển tại các trạm và các nhà máy điện.
Tuy nhiên, vị đại diện lãnh đạo EVNICT cũng cho rằng, trong năm qua, việc liên thông giữa các hệ thống phần mềm chưa cao, do nhiều phần mềm lạc hậu, các giao diện chưa thân thiện. Trong tự động hóa, các sản phẩm tự động hóa như Scada và OCC đã sẵn sàng triển khai nhưng chưa có chủ trương của Tập đoàn triển khai thành sản phẩm dùng chung cho Tập đoàn nên sản phẩm này chưa được triển khai rộng khắp...
Báo cáo của Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin cho hay, năm 2019, đơn vị này sẽ tập trung vào nhiều mặt nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện; trong đó, đơn vị đặt cốt lõi ở 3 nhiệm vụ gồm triển khai hạ tầng công nghệ thông tin, tự động hóa và viễn thông dùng riêng.
Ông Phạm Dương Minh cho biết, năm 2019, công ty sẽ thực hiện nâng cấp mạng LAN để phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, nâng cấp hạ tầng công nghệ cho Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La. Bên cạnh đó, nâng cấp đường truyền dẫn quang Bắc Nam của EVN, đồng thời thực hiện tối ưu các thiết bị viễn thông dùng riêng đảm bảo giám sát và vận hành xử lý sự cố và dự phòng cho các thiết bị cũ không còn hỗ trợ từ nhà sản xuất.
Riêng với hệ thống tự động hóa, công ty tiếp tục có những nghiên cứu, phát triển giải pháp tự động hóa như chức năng DMS trên nền EVN Scada, xây dựng phần mềm điều khiển nhà máy thủy điện nhỏ...
“Năm 2019, có 2 khiếm khuyết là giao diện, độ thân thiện và tích hợp các ứng dụng sẽ được công ty giải quyết dứt điểm. Sau đó, thực hiện tập trung vào các công việc liên quan đến cách mạng 4.0, liên quan big data, cloud, nâng cấp hạ taagnf công nghệ thông tin, các router, các hệ thống đường truyền, các thiết bị viễn thông... để đảm bảo đường trục tốt...”, ông Minh nói.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm công nghệ thời gian qua đã được EVNICT làm tốt, đảm bảo cho hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của Tập đoàn.
Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng, các hệ thống phần mềm vẫn chưa được tích hợp nên các hệ thống phần mềm cần được thống nhất về quy chuẩn, công nghệ để trong thời gian tới, có thể tích hợp, mang lại hiệu quả sử dụng trong tương lai.
"Kết nối các phần mềm với nhau rất quan trọng, để có thể dùng chung dữ liệu. Đây là vấn đề tồn tại và cần khắc phục quyết liệt trong thời gian tới, để hệ thống hoạt động ngày càng tốt hơn", ông Nhân nhấn mạnh.